Bà Tâm bị trào ngược dạ dày thực quản hơn ba năm, thỉnh thoảng đau bụng, ợ hơi. Lần này bà bị khó tiêu, đầy hơi, bụng chướng, mua thuốc uống như mọi lần nhưng không khỏi. Bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám do đau âm ỉ vùng trên rốn, căng tức bụng, không đau ngực hay khó thở, bác sĩ nghi ngờ bệnh tim. Kết quả đo điện tâm đồ (ECG) xác định nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên.
Ngày 5/11, ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân có dấu hiệu của hội chứng mạch vành cấp tính, hẹp 99% đoạn giữa động mạch vành phải. Tình trạng này xảy ra khi tổn thương mạch vành gây tắc nghẽn một phần, nhu cầu oxy của tim không được đáp ứng, làm hoại tử cơ tim.
Động mạch vành phải hẹp nặng (hình A) và sau khi được nong mạch đặt stent (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Trong vòng 30 phút, bà Hoa được đặt một stent vào động mạch vành phải, tái thông dòng máu nuôi tim. Sau thủ thuật, bệnh nhân hết triệu chứng đau bụng, nôn ói, nhịp tim và huyết áp ổn định, hai ngày sau xuất viện.
Êkíp khoa Tim mạch Can thiệp chuẩn bị cấp cứu cho một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh
Theo bác sĩ Dương Thanh Trung, khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đa số trường hợp nhồi máu cơ tim có triệu chứng điển hình, đau thắt ngực hoặc triệu chứng không điển hình, khó thở, vã mồ hôi... Tuy nhiên, một số bệnh nhân không có triệu chứng. Nhồi máu cơ tim ở phụ nữ lớn tuổi ít có dấu hiệu đặc trưng. Nhiều trường hợp triệu chứng giống với bệnh trào ngược dạ dày - thực quản như bà Tâm hoặc tương tự biểu hiện của bệnh cúm. Điều này khiến bệnh nhân lầm tưởng bệnh tiêu hóa, hô hấp nên tự ý mua thuốc uống, bỏ lỡ thời gian "vàng" điều trị.
Nhận biết triệu chứng giúp người bệnh được điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nhồi máu cơ tim cấp. Người có các dấu hiệu nhồi máu cơ tim nên đến bệnh viện khám.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp