Ngân thường xuyên bị đau cánh tay phải, dưới nách có một hạch nhỏ như trứng cút rồi to dần bằng quả mận, khó cử động tay. Ngày 30/10, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ghi nhận Ngân có tuyến vú phụ, kích thước 2x3 cm. Đây là dị tật bẩm sinh do quá trình phát triển phôi thai bị lỗi, không gây hại song mất thẩm mỹ, đau, có thể áp xe, nhiễm trùng nếu vùng này không được chăm sóc tốt.
Mẹ bé, 36 tuổi, cũng nổi hạch ở nách khi mang thai Ngân, nghĩ là mụn mủ, sưng đau. Sau sinh Ngân, hạch to lên gây áp xe, chị nhiều lần đến phòng khám rạch nặn nhưng không hết dịch mủ, tái phát thường xuyên. Đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám cùng con gái, chị mới biết mọc vú phụ.
Bác sĩ Trọng giải thích tuyến vú phụ ở nách còn gọi vú đa hình hoặc vú thừa. Chúng có thể có cấu tạo gồm khối mỡ, nhũ hoa, quầng vú và mô tuyến dọc theo ngực, ảnh hưởng đến 2-6% phụ nữ và 1-3% nam giới. Vú phụ có thể di truyền, nếu mẹ gặp tình trạng này, 10-20% con gái cũng xuất hiện.
Bình thường bào thai giai đoạn 6-8 tuần sẽ hình thành tuyến vú. Khi đó, dọc hai bên phôi thai từ nách tới bẹn có hai đường vú. Sau này, hai bên tiêu biến còn lại một điểm để hình thành hai vú như bình thường. Nếu bị lỗi phôi, tuyến vú có thể hiện diện ở vị trí bên ngoài hai bầu ngực, mọc nhiều nhất tại nách (khoảng 70%), bẹn, bụng, lưng, đùi, mông, tai, cổ...
Tuyến vú phụ tồn tại từ sơ sinh nhưng hầu hết không có biểu hiện rõ rệt nên không thể phát hiện trước tuổi dậy thì. Bệnh có thể được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe nhờ siêu âm, chụp nhũ ảnh. Đến tuổi dậy thì, một số trường hợp có thể đau, sưng, hạn chế cử động ở vai và kích ứng, đau trong kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này thường phát triển khi phụ nữ mang thai, cho con bú, do nội tiết thay đổi.
Bác sĩ Trọng (trái) phẫu thuật cắt tuyến vú phụ cho Ngân. Ảnh: Tuệ Diễm
Bé Ngân được bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú phụ. Bác sĩ rạch da 5 cm, đi qua trung tâm tuyến vú phụ, bóc tách, bỏ toàn bộ tuyến và mỡ cho Ngân. Các mô được loại bỏ thông qua một vết mổ thẩm mỹ, bệnh nhi xuất viện trong ngày.
Bác sĩ Trọng cho biết cắt bỏ vú phụ không gây hại sức khỏe, ngược lại giúp bệnh nhi hết đau, ổn định tâm lý, tự tin hơn. Khối vú phụ của chị Hoa không còn tiết sữa như xưa, ít đau, song mất thẩm mỹ. Chị dự định sẽ phẫu thuật cắt bỏ như con gái.
Tuệ Diễm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp