Trả lời:
Lao phổi không di truyền mà là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, phát tán vi khuẩn vào không khí. Người tiếp xúc gần với bệnh nhân, nhất là trong không gian kín, có nguy cơ cao bị lây nhiễm nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp.
Bệnh có thể tiến triển âm thầm với triệu chứng không rõ ràng như ho kéo dài, sốt nhẹ, sụt cân hoặc suy giảm thể trạng. Nếu không điều trị kịp thời, lao phổi gây tổn thương nhu mô phổi, hình thành cấu trúc bất thường như hang, kén trong phổi, gây biến chứng.
Bệnh có thể dẫn đến xơ hóa phổi, ho ra máu, viêm nhiễm kéo dài và nguy cơ phát triển u nấm phổi. Một số trường hợp nặng có thể gây khó thở, suy hô hấp, tử vong. Bệnh nhân lao có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) với các triệu chứng khó thở nặng dần theo thời gian.
Hiện ba bạn đã điều trị xong lao phổi nhưng chưa rõ thời gian điều trị lâu chưa. Để biết ba bạn có nguy cơ lây bệnh cho người lân cận không, cần đưa ông đến bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng để tái khám lại. Các đánh giá bao gồm khám lâm sàng, chụp X-quang phổi, xét nghiệm máu, phương pháp chuyên sâu khác nếu cần thiết.
Người sống chung hoặc tiếp xúc gần với người bị lao phổi cũng cần khám tầm soát để phát hiện kịp thời bệnh. Các xét nghiệm cần thiết bao gồm X-quang ngực, xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng lao. Tùy vào kết quả, bác sĩ chỉ định điều trị dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Gia đình có người mắc bệnh lao phổi cần lưu ý nguy cơ mắc các bệnh phổi khác, kể cả ung thư phổi, nhất là ở người hút thuốc lá lâu năm hoặc có bệnh nền về phổi. Tầm soát u phổi qua chụp CT 768 lát cắt hay CT 1975 lát cắt liều tia thấp giúp phát hiện sớm tổn thương, điều trị hiệu quả. Người bệnh có thể cần đo đa ký hô hấp, đa ký giấc ngủ để đánh giá tác động đến đường hô hấp trên.
Người bệnh cần cải thiện sức đề kháng qua chế độ dinh dưỡng cân đối, tập thể thao đều đặn, không hút thuốc lá, khám theo chỉ định bác sĩ, nhờ đó giảm biến chứng và đảm bảo sức khỏe lâu dài.
TS.BS Đặng Thị Mai KhuêChuyên khoa Hô hấpPhòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp